top of page

Tôn giáo = Tự do + Tình yêu

Nguyễn Du đã nói:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua bao cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Nhân một câu chuyện gần đây của một người nghệ sĩ tài hoa mà đoản mệnh và dịch Covid mà cả nhân loại đang gặp phải. Đối với L. đó không chỉ là bệnh tật mà với L. đó là một sự khủng hoảng của niềm tin về nhiều thứ và trong đó có cả tôn giáo. L. xin viết vài lời như hoài niệm về những trải nghiệm của bản thân trong tuổi đời và tri thức bé mọn của mình.

----

Ai trong cuộc đời này đều tìm kiếm hai chữ “Hạnh phúc”. Dù có là danh vọng, tiền tài, hôn nhân, gia đình âu cũng để thỏa mãn những điều kiện của cá nhân để mang đến sự đầy đủ và ấm no trong kiếp làm người. Và những điều kiện đó đến từ niềm tin văn hóa, giáo dục và cả định kiến của xã hội tác động đến cá thể. Và có bao giờ bạn thấy một cách quen thuộc đó là chúng ta lại áp đặt những điều ta tin, những điều ta thích vào người khác? Dù chúng ta là những cá thể có những nền tảng thế giới quan hoàn toàn khác nhau? Vì vậy trước khi đọc tiếp, tôi mong bạn hãy dừng lại và bỏ qua hết những bực dọc, lo toan và buồn đau mà bạn đang gánh chịu. Hoặc bạn có thể quay lại sau khi đã hoàn toàn cảm thấy bình ổn để lắng nghe một điều, có thể là trái ngược với suy nghĩ của bạn từ trước đến nay.



Tôn giáo là Tự do + Tình yêu

Để được tự do, hãy học hai chữ chấp nhận.

Chúa Giê-su đã từng nói rằng: “Nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!

Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.

Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”.

Đức Phật đã từng bảo: “Đừng tìm về quá khứ. Đừng tưởng tới tương lai. Quá khứ đã không còn. Tương lai thì chưa tới. Hãy quán chiếu sự sống trong giờ phút hiện tại”.

Trong tôn giáo, tôi không chỉ ra điều khác biệt, mà tôi thích chỉ ra điểm giống nhau. Bởi vì tôi tin rằng đã là chân lý thì không thể bị bẻ cong. Tôn giáo là niềm tin, là bản quy chiếu về đạo đức, tư tưởng để quyết định dẫn tới hành vi, hành động của một con người. Và ai cũng tin rằng, tôn giáo của mình là dẫn đến sự thật. Còn các tôn giáo khác thì sao?

Là một người Công Giáo, tình yêu lớn nhất tôi dành cho Chúa đó là vì ngài luôn cho tôi sự tự do và nâng đỡ. Ngài cho tôi được khám phá mọi thứ và chưa bao giờ phán xét hay đánh giá tôi cả. Vì tôi tin mọi vật, mọi sự dù đẹp đẽ hay xấu xa đều là do Chúa tạo dựng nên và mỗi con người đến với thế gian này đều có một sứ mệnh. Những trải nghiệm trong cuộc đời dù đúng hay sai, niềm vui hay đau khổ đều để tôi nhận ra sứ mệnh đời mình là gì và trên hành trình đó Chúa luôn nâng đỡ với tình yêu thương vô điều kiện. Tin một đấng, tin một tình yêu yêu mình vô điều kiện, yêu mình vì mình là chính mình, yêu mình dù mình sai trái và phản bội họ. Đó chẳng phải là điều tuyệt vời sao, cả đời người chả phải để đi tìm và trở thành đó sao?


Đức Cha tại một thánh lễ của nhà thờ Đức Bà - Sài Gòn

Vì vậy tôi rất trân trọng trải nghiệm 14 ngày đêm vào năm 2017, khi tôi có duyên tham gia một khóa thiền tại một ngôi chùa ở Lâm Đồng. Vào buổi sinh hoạt cuối cùng của khóa thiền đó tôi đã chia sẻ với các bạn học viên rằng mình là một người Công Giáo. Thật sự khi nói ra điều này tôi nghĩ có rất nhiều người sẽ cảm thấy ái ngại. Thậm chí cho đến bây giờ cũng vậy. Nhưng tôi lại hay kể về trải nghiệm này bởi vì nó cho tôi hiểu có những điều khi bạn không trải qua, không tìm hiểu bạn không biết nó là cái gì và tuyệt vời như thế nào. Những cảm xúc, xúc cảm của 14 ngày đó vẫn mãi trong tôi. Đó là chuỗi ngày thinh lặng nhất trong cuộc đời tôi đến bây giờ. 14 ngày không giao tiếp, không dòm ngó, không phán xét ai. 14 ngày chỉ để lắng nghe chính mình. Bài học lớn nhất của tôi trong 14 ngày ấy đó là hiểu niềm vui, hạnh phúc có thể đến ngay lúc này. Mọi sự vật dù là cánh hoa, dòng khí mình hít thở, ngụm nước mình uống đều hiện hữu và diệu kỳ. Tâm hồn mình đơn sơ, mộc mạc và thật hồn nhiên. Đến bây giờ tôi vẫn ngưỡng mộ Đức Phật, bởi một đời tu hành để mang lại những triết lý, niềm tin có giá trị tốt đẹp cho hậu thế mà chính tôi đã được trải nghiệm.


Một người chị thân thiết mình đã làm quen ở khóa thiền năm 2017


Hội chị em "roommate" của hành trình 14 ngày đêm

Cuộc sống, bao gồm cả tôn giáo là một cuộc trải nghiệm, một hành trình của tò mò và khám phá. Người ta hay gọi đó là Tự do tôn giáo. Vậy tự do là gì, vì sao con người lại cần tự do, vì sao mọi cuộc cách mạng, mọi cuộc chiến từ xa xưa đến thế giới 4.0 ngày nay đều xoay vần quanh quyền Tự Do. Ai lại không muốn trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân mình? Tự do được quyền tin điều mình tin, được quyền học điều mình muốn, được quyền yêu người mình thương, được quyền nhận tôn trọng về sự tồn tại của chính mình. Đó là điều ta cần, còn điều kiện đủ của tự do đó là chấp nhận sự tự do của người khác. Vì chúng ta cứ khăng khăng quyền tự do của mình là đúng, quyền tự do của mình đang có là tốt nhất và chúng ta lại vô tình áp đặt người khác vào chính cái lồng mang tên “tự do” của chính mình. Đó chẳng phải là bất tự do hay chính là ngục tù trần gian hay sao. Chấp nhận họ là phiên bản do chính họ lựa chọn. Hãy hỏi họ có vui không, có hạnh phúc không, có bình an không. Đừng lo dùm, đừng sợ dùm cho họ. Vì nếu họ không lo, không sợ thì điều bạn đang băn khoăn thật vô nghĩa. Và đó là nguồn gốc của bất hạnh cho chính bạn và họ.

Để học về tình yêu, hãy học hai chữ tôn trọng.

Thật sự ra khi bạn hiểu về tự do và bạn chấp nhận sự tự do của người khác bằng một tấm lòng không vị kỷ đó chính là tình yêu. Sự chấp nhận đó hay nói cách khác là tôn trọng chính mình và đối phương.

Trong Tân Ước của Kinh Thánh có một câu chuyện về Người phụ nữ ngoại tình. Họ dẫn nàng đến trước nhan Chúa Giê-su và bảo: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?" Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?" Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả". Đức Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!"

Đức Phật cũng từng bảo rằng: "Đem nắm muối bỏ vào cốc nước nhỏ, cốc nước mặn chát không uống được.Cũng đem nắm muối như vậy bỏ vào dòng sông Hằng, nước sông vẫn có thể uống được, không đổi thay".

Nếu hình ảnh ẩn dụ trái tim như cốc nước và muối mặn chính là những điều người khác làm trái ý ta, thì trái tim ta sẽ là cốc nước nhỏ hữu hạn hay là một dòng sông rộng mênh mông? Nếu trái tim ta được nới rộng thì không có gì có thể khiến ta đau khổ, bao khổ đau đổ đến với ta dù có Chúa, Trời hay Phật che chở nhưng lòng ta không rộng lớn, mênh mông thì ta vẫn rơi vào đố kỵ, ganh ghét, khổ hạnh mà thôi. Để mở rộng trái tim mình, đó không phải chuyện dễ làm. Vì con người hay nghĩ khi mở lòng sẽ dễ bị người khác làm tổn thương. Nhưng nếu ai cũng đóng cửa tâm hồn mình thì sao. Ai cũng xây một bức tường thành ngăn cách với thế giới ngoài kia thì sao. Vậy thì thế giới này còn gì đẹp để ngắm nhìn nữa? Nhưng nếu ai cũng mở lòng mình thì sao, ai cũng học cách chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng phẩm hạnh, giá trị, bản chất của người khác ta. Học cách sống không phán xét, lên án, chỉ trích người khác và ai ai cũng học điều ấy, hướng tới điều ấy thì không phải cuộc đời này thật diệu kỳ và tuyệt vời hay sao?

Yêu một người dễ thương thì có gì để nói vì tự họ đã dễ để thương rồi. Yêu một người dễ ghét đó mới là một tình yêu thật sự, đó là một tình yêu vô điều kiện hoặc ít điều kiện nhất có thể.

"Tôi tin rằng, cốt lõi của một tôn giáo chân chính đó là một trái tim thiện lành!" - Dalai Lama


Vậy điều cơ bản nhất để ta tôn trọng nguồn gốc, văn hóa, bản chất của một con người đó chính là tôn giáo. Nếu không thể chia sẻ cùng một niềm tin, cùng một con đường thì ít nhất hãy lắng nghe, tôn trọng sự tự do ấy. Vì tôn giáo của bạn chả phải đã dạy con người biết học cách chấp nhận và tôn trọng người khác mình đó sao?

Cao Linh Le

RECENT POSTS
SEARCH BY TAGS
No tags yet.
ARCHIVE
bottom of page